Khái quát về kiểm định chất lượng phần mềm

Trước khi tìm hiểu một quy trình kiểm tra phần mềm cơ bản, ta cần hiểu hai khái niệm sau: Test Case và Test Script.

Test Case

Một Test Case có thể coi nôm na là một tình huống kiểm tra, được thiết kế để kiểm tra một đối tượng có thỏa mãn yêu cầu đặt ra hay không. Một Test Case thường bao gồm 3 phần cơ bản:

• Mô tả: đặc tả các điều kiện cần có để tiến hành kiểm tra.

• Nhập: đặc tả đối tượng hay dữ liệu cần thiết, được sử dụng làm đầu vào để thực hiện việc kiểm tra.

• Kết quả mong chờ: kết quả trả về từ đối tượng kiểm tra, chứng tỏ đối tượng đạt yêu cầu.

Test Script

Một Test Script là một nhóm mã lệnh dạng đặc tả kịch bản dùng để tự động hóa một trình tự kiểm tra, giúp cho việc kiểm tra nhanh hơn, hoặc cho những trường hợp mà kiểm tra bằng tay sẽ rất khó khăn hoặc không khả thi. Các Test Script có thể tạo thủ công hoặc tạo tự động dùng công cụ kiểm tra tự động. (Hình 04)

Phần sau sẽ giải thích rõ hơn các bước cơ bản của một quy trình kiểm tra.

Một quy trình kiểm tra cơ bản có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều hệ thống PM với những đặc trưng khác nhau.

Lập kế hoạch kiểm tra

Mục đích: Nhằm chỉ định và mô tả các loại kiểm tra sẽ được triển khai và thực hiện. Kết quả của bước lập kế hoạch là bản tài liệu kế hoạch KTPM, bao gồm nhiều chi tiết từ các loại kiểm tra, chiến lược kiểm tra, cho đến thời gian và phân định lực lượng kiểm tra viên.

Bản kế hoạch kiểm tra đầu tiên được phát triển rất sớm trong chu trình phát triển phần mềm (PTPM), ngay từ khi các yêu cầu đã tương đối đầy đủ, các chức năng và luồng dữ liệu chính đã được mô tả. Bản kế hoạch này có thể được coi là bản kế hoạch chính (master test plan), trong đó tất cả các kế hoạch chi tiết cho các mức kiểm tra và loại kiểm tra khác nhau đều được đề cập (hình 05).

Lưu ý, tùy theo đặc trưng và độ phức tạp của mỗi dự án, các kế hoạch kiểm tra chi tiết có thể được gom chung vào bản kế hoạch chính hoặc được phát triển riêng.

Sau khi bản kế hoạch chính được phát triển, các bản kế hoạch chi tiết lần lượt được thiết kế theo trình tự thời gian phát triển của dự án. (Hình 06 minh hoạ thời điểm phù hợp để thiết lập các kế hoạch kiểm tra, gắn liền với quá trình phát triển của dự án. Quá trình phát triển các kế hoạch kiểm tra không dừng lại tại một thời điểm, mà liên tục được cập nhật chỉnh sửa cho phù hợp đến tận cuối dự án.).

Bản kế hoạch chính và các bản kế hoạch chi tiết

Các bước lập kế hoạch:

Xác định yêu cầu kiểm tra: chỉ định bộ phận, thành phần của PM sẽ được kiểm tra, phạm vi hoặc giới hạn của việc kiểm tra. Yêu cầu kiểm tra cũng được dùng để xác định nhu cầu nhân lực.

Khảo sát rủi ro: Các rủi ro có khả năng xảy ra làm chậm hoặc cản trở quá trình cũng như chất lượng kiểm tra. Ví dụ: kỹ năng và kinh nghiệm của kiểm tra viên quá yếu, không hiểu rõ yêu cầu.

Xác định chiến lược kiểm tra: chỉ định phương pháp tiếp cận để thực hiện việc kiểm tra trên PM, chỉ định các kỹ thuật và công cụ hỗ trợ kiểm tra, chỉ định các phương pháp dùng để đánh giá chất lượng kiểm tra cũng như điều kiện để xác định thời gian kiểm tra.

Xác định nhân lực,vật lực: kỹ năng, kinh nghiệm của kiểm tra viên; phần cứng, phần mềm, công cụ, thiết bị giả lập… cần thiết cho việc kiểm tra.

Lập kế hoạch chi tiết: ước lượng thời gian, khối lượng công việc, xác định chi tiết các phần công việc, người thực hiện, thời gian tất cả các điểm mốc của quá trình kiểm tra.

Tổng hợp và tạo các bản kế hoạch kiểm tra: kế hoạch chung và kế hoạch chi tiết.

Xem xét các kế hoạch kiểm tra: phải có sự tham gia của tất cả những người có liên quan, kể cả trưởng dự án và có thể cả khách hàng. Việc xem xét nhằm bảo đảm các kế hoạch là khả thi, cũng như để phát hiện (và sữa chữa sau đó) các sai sót trong các bản kế hoạch.

Thiết kế Test

Mục đích: Nhằm chỉ định các Test Case và các bước kiểm tra chi tiết cho mỗi phiên bản PM. Giai đoạn thiết kế test là hết sức quan trọng, nó bảo đảm tất cả các tình huống kiểm tra “quét” hết tất cả yêu cầu cần kiểm tra.

Hình dưới cho thấy việc thiết kế test không phải chỉ làm một lần, nó sẽ được sửa chữa, cập nhật, thêm hoặc bớt xuyên suốt chu kỳ PTPM, vào bất cứ lúc nào có sự thay đổi yêu cầu, hoặc sau khi phân tích thấy cần được sửa chữa hoặc bổ sung.

Thời điểm phù hợp để thiết lập các kế hoạch kiểm tra

Các bước thiết kế test bao gồm:

• Xác định và mô tả Test Case: xác định các điều kiện cần thiết lập trước và trong lúc kiểm tra. Mô tả đối tượng hoặc dữ liệu đầu vào, mô tả các kết quả mong chờ sau khi kiểm tra.

• Mô tả các bước chi tiết để kiểm tra: các bước này mô tả chi tiết để hoàn thành một Test Case khi thực hiện kiểm tra. Các Test Case như đã nói ở trên thường chỉ mô tả đầu vào, đầu ra, còn cách thức tiến hành như thế nào thì không được định nghĩa. Thao tác này nhằm chi tiết hóa các bước của một Test Case, cũng như chỉ định các loại dữ liệu nào cần có để thực thi các Test Case, chúng bao gồm các loại dữ liệu trực tiếp, gián tiếp, trung gian, hệ thống…

• Xem xét và khảo sát độ bao phủ của việc kiểm tra: mô tả các chỉ số và cách thức xác định việc kiểm tra đã hoàn thành hay chưa? bao nhiêu phần trăm PM đã được kiểm tra? Để xác định điều này có hai phương pháp: căn cứ trên yêu cầu của phần mềm hoặc căn cứ trên số lượng code đã viết.

• Xem xét Test Case và các bước kiểm tra: Việc xem xét cần có sự tham gia của tất cả những người có liên quan, kể cả trưởng dự án nhằm bảo đảm các Test Case và dữ liệu yêu cầu là đủ và phản ánh đúng các yêu cầu cần kiểm tra, độ bao phủ đạt yêu cầu, cũng như để phát hiện (và sữa chữa) các sai sót.

Phát triển Test ScriptMục đích: Bước này thường không bắt buộc trong các loại và mức kiểm tra, chỉ yêu cầu trong những trường hợp đặc thù cần thiết kế, tạo ra các Test Script có khả năng chạy trên máy tính giúp tự động hóa việc thực thi các bước kiểm tra đã định nghĩa ở bước thiết kế test.

Các bước phát triển Test Script bao gồm:• Tạo Test Script: thủ công hoặc dùng công cụ hỗ trợ để phát sinh script một cách tự động (tuy nhiên trong hầu hết mọi trường hợp, ta vẫn phải chỉnh sửa ít hoặc nhiều trên các script được sinh tự động). Thông thường, mỗi bước kiểm tra được thiết kế trong phần thiết kế test, đòi hỏi ít nhất một Test Script. Các Test Script có khả năng tái sử dụng càng nhiều càng tốt để tối ưu hóa công việc.

• Kiểm tra Test script: xem có “chạy” tốt không nhằm bảo đảm các Test Script hoạt động đúng yêu cầu, thể hiện đúng ý đồ của các bước kiểm tra.

• Thành lập các bộ dữ liệu ngoài dành cho các Test Script: bộ dữ liệu này sẽ được các Test Script sử dụng khi thực hiện kiểm tra tự động. Gọi là “ngoài” vì chúng được lưu độc lập với các Test Script, tránh trường hợp vì dễ dãi, một số kiểm tra viên “tích hợp” luôn phần dữ liệu vào bên trong code của các script (thuật ngữ chuyên môn gọi là “hard-code”). Việc tách riêng dữ liệu cho phép dễ dàng thay đổi dữ liệu khi kiểm tra, cũng như giúp việc chỉnh sửa hoặc tái sử dụng các script sau này.

• Xem xét và khảo sát độ bao phủ của việc kiểm tra: bảo đảm các Test Script được tạo ra bao phủ toàn bộ các bước kiểm tra theo yêu cầu.

Thực hiện kiểm traMục đích: Thực hiện các bước kiểm tra đã thiết kế (hoặc thi hành các Test Script nếu tiến hành kiểm tra tự động) và ghi nhận kết quả.

Hình 06 cho ta thấy, việc thực hiện kiểm tra cũng được làm rất nhiều lần trong suốt chu trình kiểm tra, cho đến khi kết quả kiểm tra cho thấy đủ điều kiện để dừng hoặc tạm dừng việc thực hiện.

Quá trình thực hiện kiểm tra thường thông qua các bước sau:

• Thực hiện các bước kiểm tra: thủ công hoặc thi hành các Test Script nếu là quy trình kiểm tra tự động. Để thực hiện kiểm tra, thao tác đầu tiên cần làm là xác lập và khởi động môi trường và điều kiện kiểm tra. Việc này nhằm bảo đảm tất cả các bộ phận liên quan (như phần cứng, phần mềm, máy chủ, mạng, dữ liệu…) đã được cài đặt và sẵn sàng, trước khi chính thức bắt đầu thực hiện kiểm tra.

• Đánh giá quá trình kiểm tra: giám sát quá trình kiểm tra suôn sẻ đến khi hoàn thành hay bị treo và dừng giữa chừng, có cần bổ sung hay sữa chữa gì không để quá trình kiểm tra được tốt hơn.

– Nếu quá trình diễn ra trơn tru, kiểm tra viên hoàn thành chu kỳ kiểm tra và chuyển qua bước “Thẩm định kết quả kiểm tra”

– Nếu quá trình bị treo hoặc dừng giữa chừng, kiểm tra viên cần phân tích để xác định nguyên nhân lỗi, khắc phục lỗi và lập lại quá trình kiểm tra.

• Thẩm định kết quả kiểm tra: sau khi kết thúc, kết quả kiểm tra cần được xem xét để bảo đảm kết quả nhận được là đáng tin cậy, cũng như nhận biết được những lỗi xảy ra không phải do PM mà do dữ liệu dùng để kiểm tra, môi trường kiểm tra hoặc các bước kiểm tra (hoặc Test Script) gây ra. Nếu thực sự lỗi xảy ra do quá trình kiểm tra, cần phải sửa chữa và kiểm tra lại từ đầu.

Đánh giá quá trình kiểm traMục đích: Đánh giá toàn bộ quá trình kiểm tra, bao gồm xem xét và đánh giá kết quả kiểm tra, liệt kê lỗi, chỉ định các yêu cầu thay đổi, và tính toán các số liệu liên quan đến quá trình kiểm tra (chẳng hạn số giờ, thời gian kiểm tra, số lượng lỗi, phân loại lỗi…).

Lưu ý, mục đích của việc đánh giá kết quả kiểm tra ở bước này hoàn toàn khác với bước thẩm định kết quả kiểm tra sau khi hoàn tất một vòng kiểm tra. Đánh giá kết quả kiểm tra ở giai đoạn này mang tính toàn cục và nhằm vào bản thân giá trị của các kết quả kiểm tra.

Hình 06 cho thấy, việc đánh giá quá trình và kết quả kiểm tra được thực hiện song song với bất kỳ lần kiểm tra nào và chỉ chấm dứt khi quá trình kiểm tra đã hoàn tất.

 Cấu trúc của một mức trưởng thành trong mô hình TMM

Đánh giá quá trình kiểm tra thường thông qua các bước sau:• Phân tích kết quả kiểm tra và đề xuất yêu cầu sửa chữa: Chỉ định và đánh giá sự khác biệt giữa kết quả mong chờ và kết quả kiểm tra thực tế, tổng hợp và gửi thông tin yêu cầu sửa chữa đến những người có trách nhiệm trong dự án, lưu trữ để kiểm tra sau đó.

• Đánh giá độ bao phủ: Xác định quá trình kiểm tra có đạt được độ bao phủ yêu cầu hay không, tỷ lệ yêu cầu đã được kiểm tra (tính trên các yêu cầu của PM và số lượng code đã viết).

• Phân tích lỗi: Đưa ra số liệu phục vụ cho việc cải tiến các qui trình phát triển, giảm sai sót cho các chu kỳ phát triển và kiểm tra sau đó. Ví dụ, tính toán tỷ lệ phát sinh lỗi, xu hướng gây ra lỗi, những lỗi “ngoan cố” hoặc thường xuyên tái xuất hiện.

• Xác định quá trình kiểm tra có đạt yêu cầu hay không: Phân tích đánh giá để xem các Test Case và chiến lược kiểm tra đã thiết kế có bao phủ hết những điểm cần kiểm tra hay không? Kiểm tra có đạt yêu cầu dự án không? Từ những kết quả này, kiểm tra viên có thể sẽ phải thay đổi chiến lược hoặc cách thức kiểm tra.

• Báo cáo tổng hợp: Tổng hợp kết quả các bước ở trên và phải được gửi cho tất cả những người có liên quan.

Tóm lược: Trên đây là tóm tắt các bước cơ bản của một quy trình KTPM. Tùy theo đặc thù của dự án, loại kiểm tra và mức độ kiểm tra, quy trình kiểm tra trong thực tế có thể chi tiết hơn nhiều, tuy nhiên các bước trên là xương sống của bất kỳ quy trình kiểm tra nào.

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một mô hình giúp các tổ chức đánh giá và nâng cao năng lực KTPM của mình, đó là mô hình TMM (Testing Maturity Model).

Bình luận bài viết