1. Marketing Online là gì?
Đối với công việc Marketing: ở đâu có khách hàng, ở đó sẽ có tiếp thị.
Ngày nay, sự bùng nổ của Internet khiến con người chúng ta trở nên kết nối hơn. Bạn thấy người người, nhà nhà kết nối Internet, và khách hàng của bạn cũng trong số đó.
Họ sử dụng Internet để vào đọc tin tức trên các website, vào các mạng xã hội (Facebook, Instagram…), liên lạc email, xem video trên Youtube,… và vô vàn thứ cần đến Internet. Khi họ truy cập Internet, bạn nói họ đang Online!
Nói đến đây, có lẽ bạn đã “ngờ ngợ” phần nào về khái niệm: Marketing Online là gì?
Marketing Online là các hình thức tiếp thị trên môi trường Internet.
Việt hóa cách ngắn gọn là: Tiếp thị trực tuyến.
Vì vậy, Marketing Online còn có tên gọi khác mà bạn cũng thấy rất quen thuộc: Internet Marketing.
Để dễ dàng nhận biết bạn đang làm Marketing Online, chỉ cần xác định thông qua câu hỏi: khách hàng của bạn có phải kết nối Internet để nhận được thông điệp truyền thông hay không?
2. Marketing Online bao gồm những hình thức nào?
Khi mới tìm hiểu về Marketing Online, chúng ta sẽ luôn thắc mắc “Marketing Online bao gồm những gì?”.
Bạn sẽ gặp các hình thức Marketing Online chính sau đây, hầu như ngày nào bạn và khách hàng của bạn đều được tiếp cận:
- Website: đây là kênh phải có của bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển lâu dài. Website là nhà riêng của bạn, là nơi công bố các thông tin chính thức tới khách hàng. Nếu bạn không có website mà chỉ kinh doanh trên Facebook, thực chất đó không phải nhà riêng của bạn. Facebook bản chất cũng là một website, bạn “nhờ vả” vào Facebook để bán hàng. Do đó, nếu thực sự muốn kinh doanh lâu dài, bạn nhất định phải có địa chỉ “sở hữu” riêng chính là website.Website là phương thức Marketing Online không thể thiếu nếu doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài.
- SEM (Search Engine Marketing): tiếp thị trên công cụ tìm kiếm (Google, Cốc Cốc, Bing,…). SEM được phân ra thành 2 nhánh: SEO và PPC.Vị trí hiển thị nhờ quảng cáo PCC và vị trí hiển thị tự nhiên trên trang nhất nhờ SEO.SEO là tối ưu công cụ tìm kiếm nhằm giúp website có được vị hiển thị tự nhiên cao trên kết quả tìm kiếm. SEO là một trong các hình thức Marketing Online cơ bản giúp website có lượng truy cập tự nhiên tăng trưởng ổn định và lâu dài. Để hiểu hơn về chiến lược SEO hiệu quả được phát triển từ công ty dịch vụ SEO được đầu tư từ Nhật Bản, hãy click:NHẬN TƯ VẤN SEOCòn PPC là kết quả tìm kiếm có kèm “QC” hoặc “Ads”. Nếu trên công cụ tìm kiếm Google, PPC mà bạn sử dụng rất quen thuộc với cái tên: Google Ads (trước đây là Google Adwords).
- Email Marketing: tiếp thị thông qua email. Đây là một trong các hình thức Marketing Online mang tính cá nhân cực cao vì bạn tiếp cận riêng đến từng khách hàng. Ngoài quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, kênh email còn được dùng để chúc mừng khách hàng những dịp đặc biệt, cung cấp những thông tin hữu ích, gửi các chương trình dành riêng cho khách hàng VIP nhằm duy trì mối quan hệ với khách hàng.
- Social Media: truyền thông mạng xã hội. Bạn tạo nên các fanpage để tương tác với khách hàng, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, chạy quảng cáo trên mạng xã hội là cách được sử dụng vô cùng phổ biến như: Facebook Ads, Zalo Ads, Instagram Ads,…
- Display Ads: quảng cáo hiển thị trên một trang web (bạn trả tiền cho một website khác để được đăng banner quảng cáo của mình, hoặc bạn thực hiện quảng cáo trên Youtube).
- …
3. Marketing Online là “con” của Digital Marketing!
Bạn có cho rằng Digital Marketing và Marketing Online là một? Nếu bạn cho là thế, bạn đang nhìn thế giới của Digital Marketing một cách thu hẹp!
Bây giờ, hãy dịch nghĩa từ “Digital Marketing”: Tiếp thị kỹ thuật số.
Thông qua cách dịch Việt hóa trên, chúng ta hiểu rằng: Digital Marketing là cách tiếp cận khách hàng thông qua các phương tiện hoạt động dưới nền tảng kỹ thuật số (cả trên môi tường Internet và không cần Internet như: NFC, Bluetooth, thiết bị lưu trữ,…). Một số hình thức Digital Marketing giúp bạn nhìn nhận rõ hơn:
- Quảng cáo tivi, radio, LCD,…
- Mobile Marketing (SMS, App, Game Mobile…)
- Online Marketing
- …
Như vậy, Digital Marketing có tính khái quát hơn so với Online Marketing.
Online Marketing là một phần, nhưng không phải tất cả của Digital Marketing.
4. Ưu – nhược điểm của Marketing Online
A. Ưu điểm của Marketing Online
Marketing Online cho phép bạn tiếp cận một khối lượng lớn đối tượng trong tích tắc.
Tại Việt Nam, có hơn 64 triệu người dùng Internet năm 2018 (chiếm hơn 67% dân số). Không những thế, có hơn 54% dân số Thế giới sử dụng Internet và con số này sẽ còn tiếp tục tăng.
Chỉ cần bạn có một chiếc máy tính đang trực tuyến, bạn có thể tiếp cận tới hàng triệu người cùng một lúc mà không bị giới hạn về địa lý và thời gian.
Bạn có thể đưa quảng cáo của mình “vượt biên” một cách dễ dàng. Tất cả mọi người ở quốc gia khác nếu online đều có thể nhìn thấy thông tin và đặt hàng mua sản phẩm, dịch vụ của bạn.
Và thật vui vẻ, bạn vẫn đang ngồi một chỗ để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ tới khắp mọi nơi!
Marketing Online cho phép doanh nghiệp hoạt động 24/7.
Nếu bạn có một cửa hàng thực tế, khách hàng chỉ có thể đến mua sản phẩm vào khoảng thời gian giới hạn. Nhưng với website đặt hàng/thanh toán trực tuyến, khách hàng có thể xem thông tin sản phẩm và mua hàng bất cứ lúc nào.
Xu hướng sử dụng smartphone để kết nối internet liên tục và mua sắm trực tuyến đang ngày càng tăng. Nhu cầu tìm kiếm thông tin và tư vấn online trước khi mua sản phẩm cũng tăng theo. Và dĩ nhiên, sử dụng các công cụ trực tuyến để “chat” với khách hàng là cách linh hoạt về thời gian, không phụ thuộc vào địa điểm. Đội ngũ của bạn luôn có thể sẵn sàng trò chuyện với khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Website và mạng xã hội là các công cụ mà khách hàng có thể truy cập 24/7 và xem kho nội dung có sẵn. Bên cạnh đó, tự động hóa trong trả lời tin nhắn, lên lịch đăng bài, lên lịch quảng cáo,… đã giữ cho hoạt động Marketing của bạn diễn ra liên tục.
Tăng thời gian hoạt động, bạn sẽ có thêm cơ hội tăng doanh thu và lợi nhuận.
Marketing Online giúp bạn kết nối Real-time với khách hàng.
Internet giúp chúng ta kết nối thông tin với nhau ngay lập tức!
Cả khách hàng và doanh nghiệp đều có thể kiểm tra còn sản phẩm hay không trong thời gian thực. Khi có một đơn hàng được đặt online, hệ thống sẽ lập tức tự động trừ đi số hàng hiện có trong kho. Nhờ vậy, thông tin luôn được cập nhật liên tục và tức thì.
Không những thế, mọi thông báo của bạn sẽ được truyền tới khách hàng nhanh hơn bao giờ hết. Bạn khởi động một chương trình phát mẫu dùng thử online, thông báo đợt hàng mới về sẽ chậm thêm 3 ngày nữa, hay đơn giản chỉ là gửi lời chúc mừng ngày 8/3 đến hàng loạt khách hàng nữ,… Những thông tin sẽ vẫn giữ được độ “nóng” nhờ tiếp thị qua Internet.
Marketing Online giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.
Nếu quảng cáo trên tivi, tạp chí giấy, bạn cần chuẩn bị nội dung kĩ càng (bởi một khi đã xuất bản, bạn không thể yêu cầu sửa lại quảng cáo được) và liên hệ với nhà đài/tòa báo trước một khoảng thời gian khá lâu.
Vào những dịp đặc biệt như World Cup, lễ tết,… các doanh nghiệp nhỏ thậm chí không thể “chen chân” vào quảng cáo truyền hình (kênh phổ biến như VTV, HTV,…) hay tạp chí lớn vì “suất quảng cáo có giới hạn”.
Chúng ta cũng nhận ra cuộc chiến quảng cáo truyền thống thường xuất hiện những “ông lớn” trong ngành vì họ đủ ngân sách cho chi phí truyền thông đắt đỏ và dễ dàng đè bẹp các công ty vừa và nhỏ.
Riêng làm Marketing Online mở ra cơ hội cho những startup có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt nhưng có ít ngân sách tiếp thị. Nhờ sự tự động hóa, khả năng tiếp cận rộng lớn, nhiều vị trí lựa chọn để quảng cáo, thời gian linh hoạt,… đã giúp cho chi phí quảng cáo đơn vị rẻ hơn rất nhiều.
Thậm chí, doanh nghiệp sở hữu một tài khoản mạng xã hội mạnh, một website mạnh sẽ có khả năng lan truyền thông tin và tương tác với nhóm lớn khách hàng. Đồng thời, khi thiết lập quảng cáo, chi phí có thể giảm xuống.
Quy trình thiết lập quảng cáo online trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với các hình thức quảng cáo truyền thống. Hầu hết được thiết kế và tiến hành trên yếu tố điện tử và việc đăng ký quảng cáo dễ dàng. Ngoài ra, các thông tin có sẵn trên website, các chương trình trả lời tự động sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian để đầu tư vào nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Marketing Online giúp tăng phản ứng linh hoạt giữa bạn và khách hàng.
Sự tương tác hai chiều là điểm nổi bật của Marketing Online.
Khách hàng có thể phản hồi trực tiếp với doanh nghiệp ngay khi họ nhìn thấy quảng cáo. Ví dụ như comment dưới bài đăng facebook, click truy cập vào website xem thông tin, nhắn tin trên zalo hay trực tiếp trên website,…
Khách hàng cảm thấy mình chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin, kết nối với doanh nghiệp và nhóm cộng đồng của bạn. Đồng thời họ cũng dễ dàng tham gia lan truyền thông điệp của doanh nghiệp đến mạng lưới mối quan hệ của mình.
Về phía doanh nghiệp, các nội dung quảng cáo, thông tin có thể linh hoạt chỉnh sửa nhanh chóng khi bạn cảm thấy chúng không có hiệu quả, chưa chính xác, hoặc tiến hành “test” với nhiều phiên bản quảng cáo khác nhau trong thời gian ngắn (vài ngày, 1 ngày, thậm chí vài giờ). Bên cạnh đó, các phản hồi từ khách hàng, bạn sẽ theo dõi được liên tục và trả lời tới từng cá nhân.
Marketing Online mang đến khả năng thu thập và đo lường dữ liệu mạnh mẽ.
Bạn có để ý những email nhận được kèm theo tên của bạn? Tính cá nhân hóa được đẩy mạnh hơn thông qua Marketing Online nhờ khả năng thu thập dữ liệu chi tiết: thông tin cá nhân, dữ liệu nhân khẩu học, thiết bị sử dụng, những lĩnh vực yêu thích,…
Chỉ cần người dùng tiến hành đăng ký tài khoản và thao tác trên một website, những dữ liệu về người dùng sẽ được thu thập. Điển hình như Facebook và các mạng xã hội khác, Google, các trang thương mại điện tử,…
Bạn cũng chủ động thu thập được thông tin khách hàng khi cho phép người dùng đăng ký nhận bản tin, đăng ký nhận mẫu thử hoặc để có được một sự “ưu ái” khác như mã giảm giá, bộ tài liệu miễn phí,… Hơn thế, thông tin khách hàng có thể được mua hoặc trao đổi giữa những lĩnh vực kinh doanh có sự liên quan với nhau như: nhà hàng – trang phục cưới – trang sức – khách sạn có đối tượng mục tiêu là những cặp sắp cưới.
Những dữ liệu này cực kỳ hữu ích cho việc phân khúc khách hàng, tăng khả năng tiếp cận đúng đối tượng tiềm năng.
Khả năng thu thập dữ liệu của Marketing Online còn đi kèm cùng khả năng đo lường mạnh mẽ. Điển hình như Google Analytics giúp đo lường chi tiết lượng truy cập website của bạn đến từ nguồn nào, có bao nhiêu hành động mục tiêu được đáp ứng, theo dõi các hành vi của người dùng trên website, thời gian trung bình trên trang, tỷ lệ thoát, và cả các chỉ số liên quan đến Google Ads… những con số đo lường cực kỳ hữu ích.
Tương tự, facebook và các trang mạng xã hội khác cũng đo lường các chỉ số chi tiết cho một quảng cáo (lượng tiếp cận, xem, click, like, share, comment,…) và các dữ liệu về người dùng thao tác trên fanpage của doanh nghiệp (lượng truy cập fanpage theo thời gian, lượng tiếp cận và tương tác trên mỗi bài đăng, lượng thích trang nhờ quảng cáo, lượt thích trang tự nhiên,…).
Đối với Email Marketing, có rất nhiều công cụ để sử dụng như Mailchimp, Getresponse,… Các công cụ này đều đo lường các kết quả từ cơ bản (open, click, bounce, unsubcribe) đến các kết quả nâng cao (so sánh hiệu quả giữa các thư, các list email khác nhau, lượng open/click theo thời gian, tính điểm chất lượng cho từng email dựa trên mức độ tương tác,…)
Đối với hoạt động SEO website, có rất nhiều công cụ hỗ trợ đo lường đủ loại chỉ số như: thứ hạng từ khóa (Ahref, GWEBBOT,…), lượng truy cập từ SEO hay còn gọi là Organic Search (Google Analytics), backlinks (Ahref, Open Site Explorer,…), lượng tìm kiếm từ khóa trên Google (Google Keyword Planner),…
Các dữ liệu đo lường trên là cơ sở để bạn phân tích, đánh giá người dùng và mức độ hiệu quả của hoạt động Marketing Online. Từ đó hỗ trợ đắc lực cho việc đưa ra giải pháp tăng hiệu quả chuyển đổi.
Sự đo lường hiệu quả từ kênh tiếp thị truyền thống thường khó khăn hơn rất nhiều. Từ khi Internet và Marketing Online ra đời, những con số đo lường và thông tin khách hàng trở nên hiện hữu hơn, rõ ràng hơn, và được “khai quật” mạnh mẽ hơn.
B. Nhược điểm của Marketing Online
Tính nhiễu trong Marketing Online.
Sự tiện lợi và dễ dàng hơn trong tiếp thị trên Internet khiến người dùng “đi đâu trên mạng” cũng có thể gặp quảng cáo. Nhiều lúc gặp liên tục.
Mỗi ngày, người dùng bắt gặp hàng chục quảng cáo khi lướt bản tin facebook trong 15 phút, xem Youtube, các banner quảng cáo trên các website, email quảng cáo của vô vàn doanh nghiệp, thậm chí có cả lời mời chào trong tin nhắn facebook hay zalo,…
Do đó, thông điệp của bạn thường bị nhiễu bởi quá nhiều quảng cáo khác vây quanh. Khách hàng rất dễ bị thay đổi sự chú ý, cũng như vô tình “để trôi” mất quảng cáo của bạn.
Khách hàng còn dễ chuyển hướng chú ý bởi vô vàn thông tin khác như: chuyện người nổi tiếng, tin nóng thời sự, các sự kiện nổi bật trong ngày,… bất cứ nội dung nào dù không phải là quảng cáo.
Sự cạnh tranh thông tin trong Marketing Online đòi hỏi các doanh nghiệp cần không ngừng tập trung cho việc xuất bản nội dung sáng tạo, chất lượng, có tính thu hút cao ngay từ “cái nhìn đầu tiên” và đáp ứng nhu cầu thông tin của đối tượng mục tiêu.
Thông tin lan truyền nhanh là con dao 2 lưỡi.
Nếu quản lý thông tin doanh nghiệp trên Internet tốt, thương hiệu của bạn có khả năng được nhiều người biết đến và yêu thích một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, khả năng lan truyền nhanh của Marketing Online cũng là “cánh tay đắc lực” cho các luồng phản hồi xấu từ phía người dùng. Chúng có thể khiến hình ảnh thương hiệu xấu đi trong vòng… một nốt nhạc.
Một bức ảnh trên fanpage của DOVE được đăng tải vào tháng 10 năm 2017 với hình ảnh một cô gái da đen sau khi cởi chiếc áo giống màu sắc da của cô đã biến thành một phụ nữ da trắng. Hình ảnh này nhanh chóng được lan truyền với những lời chỉ trích dữ dội của “cư dân mạng”, vì họ cho rằng DOVE đang gây ra sự phân biệt chủng tộc.
Đây là một bài đăng thể hiện sự bức xúc với quảng cáo của DOVE từ một người dùng mạng. Và cứ thế, sự chỉ trích được lan đi khắp nơi!
Khi Internet phát triển cùng với tốc độ lan truyền thông tin nhanh như vũ báo thì việc tổ chức thông tin và sáng tạo thông điệp của doanh nghiệp cần phải hết sức cẩn trọng.
Marketing Online phụ thuộc nhiều vào thiết bị điện tử.
Với những nơi có cơ sở hạ tầng thông tin còn yếu kém hoặc tập đối tượng mục tiêu của bạn ít có thói quen trực tuyến, bạn sẽ khó có cơ hội hoặc không thể tiếp cận đến những đối tượng này thông qua Marketing Online.
Khi server website hỏng, tốc độ tải trang kém, hoặc lỗi kỹ thuật nào đó khiến khách hàng không thể vào trang web của bạn, hoặc chờ đợi lâu khiến họ bỏ đi. Ngoài ra, các cài đặt quảng cáo trên website có thể không tương thích với trình duyệt hay thiết bị của người xem.
Các sự cố về kỹ thuật làm cho hoạt động Marketing Online bị đình trệ và có nguy cơ bị mất doanh thu trực tuyến.
Do đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra để nhanh chóng khắc phục các lỗi kỹ thuật sớm. Đảm bảo website và các quảng cáo hoạt động ổn định. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tốt cho SEO website.
Vấn đề bảo mật và quyền riêng tư.
Internet phát triển cũng là cơ hội tốt cho các hacker tấn công. Dữ liệu khách hàng của bạn nếu không bảo mật tốt, có thể chúng sẽ bị đánh cắp và phục vụ cho việc lấy tài khoản ngân hàng của khách hàng, bán thông tin cho các đối thủ kinh doanh của bạn, tự động cài các quảng cáo trên website, spam lượng truy cập lớn gây tắc ngẽn mạng,… Hoạt động Marketing Online sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vào tháng 9/2018, Facebook bị tin tặc tấn công, trong đó có khoảng 50 triệu tài khoản bị đánh cắp. Một website lớn có thể chịu sự tấn công nặng nề. Tuy nhiên, một website nhỏ hơn cũng có thể bị hack bởi các mục đích “nhỏ” hơn như chèn tự động các backlink lên website của bạn (link trỏ về website khác) chẳng hạn.
Bên cạnh đó, người dùng tự dưng nhận được các quảng cáo không mong muốn trong email cá nhân, bị theo dõi các hành vi, bị spam quảng cáo,…Sự riêng tư trên Internet dường như bị bóp nghẹt.
Bạn cần đầu tư cho sự bảo mật dữ liệu doanh nghiệp trên Internet. Cũng như chọn lọc đúng đối tượng tiếp thị và cách thức tiếp thị nhằm đảm bảo Marketing Online hoạt động tốt, người nhận thông điệp không cảm thấy đây là “thông tin vô bổ” đối với họ.
Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và các quy tắc thương mại điện tử.
Đồng hành với sự tiến bộ liên tục trong cơ sở hạ tầng thông tin, các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng Internet, các quy tắc thương mại điện tử thay đổi do sự tăng lên nhanh chóng của các đơn vị bán hàng trực tuyến đã khiến cho các nhà làm Marketing Online cũng phải liên tục chạy theo sự tiến bộ này.
Người dùng Internet thích được trải nghiệm những gì được coi là “hiện đại” và thuận tiện nhất cho họ. Vì vậy, cách thức Marketing Online của bạn có thể nhanh chóng bị lỗi thời nếu không theo kịp sự phát triển về công nghệ.
Lỗ hổng từ các hoạt động Marketing Online lừa đảo.
Nếu Internet mở ra cơ hội tiếp cận với mạng lưới người dùng rộng lớn, thì nó cũng bị lợi dụng để phục vụ cho các mặt hàng/thương hiệu giả, nhái.
Có rất nhiều website bất hợp pháp trên mạng trông giống với website gốc (trang web hợp pháp) và chúng thu được tiền từ khách hàng. Hoặc các fanpage lừa đảo, tài khoản mạng xã hội cá nhân (ở Việt Nam đặc biệt là facebook) bán hàng giả tràn ngập.
Không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nhận ra website hay tài khoản mạng xã hội của công ty đang bị giả mạo, những cá nhân hay đơn vị nào đang bán hàng nhái sản phẩm của mình. Và để chăn chặn chúng một cách triệt để thực sự khó khăn.
Mặc dù không ngăn chặn hoàn toàn được, bạn có thể hạn chế bằng cách khi phát hiện tài khoản mạng xã hội giả mạo, hãy report chúng với mạng xã hội đó. Nếu là website giả mạo, hãy báo cáo chúng với Google qua trang: https://safebrowsing.google.com/safebrowsing/report_phish/?hl=vi
Với các trường hợp nhỏ lẻ, tốn thời gian và tiền bạc để truy tìm thủ phạm và kiện tụng là không đáng. Trong trường hợp hoạt động lừa đảo có quy mô lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, doanh thu của công ty, bạn có thể khởi kiện.
Và sự thật là chúng ta khó kiểm soát được tất cả. Ở một góc nào đó của thế giới vẫn còn tồn tại kẻ mạo danh bạn!
(Trích dẫn: gobranding.com.vn)