Dù biết xu hướng chuyển đổi số mở ra cho doanh nghiệp địa ốc nhiều cơ hội trong quản trị, bán hàng, marketing, nhưng mới chỉ có một số ít tập đoàn bất động sản lớn mạnh dạn đầu tư cho công nghệ, đa phần còn lại vẫn đang chần chừ vì nhiều lý do.
Xu thế không thể đảo ngược
Báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy, 73,8% doanh nghiệp trả lời họ có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, cùng các chi phí khác. 19% doanh nghiệp chưa có giải pháp gì để ứng phó với những rủi ro do yếu tố khách quan xảy đến một cách bất ngờ.
Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng ở tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét ở một góc độ tích cực, dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.
Ghi nhận trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở tất cả các ngành đã áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là bán hàng theo hướng số hóa mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, trong thời gian cách ly xã hội, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi quy trình vận hành truyền thống với chủ yếu là sự tham gia của con người hoặc giấy tờ thành các quy trình tự động trên nền tảng số.
Ngay kể cả trong công tác bán hàng, với sự phát triển của công nghệ, đối tượng khách hàng ngày càng trẻ hóa, họ lại càng ưa chuộng sử dụng nhiều hơn các ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, giao tiếp hay thực hiện đàm phán. Điển hình là các ông lớn như Hưng Thịnh, LDG, An Gia Group, Vingroup, Novaland, Sunshine Group… đều kịp thời đưa các ứng dụng công nghệ vào vận hành để tương tác với khách hàng.
Trong khi đó, so với mô hình hoạt động trước đây, theo chia sẻ của đại diện LDG, hiện nay, doanh nghiệp cũng đã thay đổi lại hoàn toàn cách làm việc theo hướng sử dụng nhiều nền tảng công nghệ hơn trong quản lý hoạt động nhân viên cũng như bán hàng.
Mặc dù lượng giao dịch giảm hẳn so với năm 2018, nhưng toàn bộ nhân viên tại các công ty bất động sản đều đang làm quen với cách thức làm việc mới. Các dịch vụ đều thông qua điện thoại, trao đổi qua hệ thống videocall như Facetime, Skype Live Chat, Video chat… Khi quyết định sở hữu, khách hàng chỉ cần chuyển khoản và thực hiện thủ tục qua kênh online.
“Việc làm này tuy sẽ mất chi phí hơn trong việc thay đổi quy trình, xây dựng hệ thống, nâng cấp hạ tầng và đầu tư phần mềm…, nhưng sẽ đảm bảo an toàn cho khách hàng. Ngoài ra, dù tốn thêm chi phí, nhưng chúng tôi vẫn không tăng giá sản phẩm”, đại diện LDG chia sẻ.
Tương tự, Tập đoàn Vạn Phúc cũng đã nhanh chóng áp dụng phần mềm Fastkey của Property Guru Singapore vào việc bán hàng tại dự án Van Phuc City, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Hay Vingroup cũng đã ra mắt sàn giao dịch bất động sản trực tuyến Vinhomes Online. Theo đó, tất cả thông tin về vị trí, quy hoạch cũng như tài liệu bán hàng của các dự án mở bán trên Vinhomes Online đều được công bố đầy đủ và chi tiết trên website. Cũng trên Vinhomes Online, tất cả các chính sách bán hàng, chương trình ưu đãi đặc quyền và giá bán sẽ được công bố.
Quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy
Khi thị trường phát triển và thay đổi nhanh như hiện nay, doanh nghiệp bất động sản muốn tồn tại không thể đứng ngoài cuộc nhìn đối thủ cạnh tranh dành lấy khách hàng và thị trường. Chuyển đổi số là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển giữa thị trường bao phủ bởi công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, ngoại trừ số ít những tập đoàn lớn nêu ở trên có nhận thức rõ ràng về câu chuyện chuyển đổi số, đa phần còn lại vẫn còn chần chừ không muốn chuyển đổi hoặc chuyển đổi một phần rất nhỏ không đáng kể.
Trong kỷ nguyên số hóa, doanh nghiệp bất động sản nếu muốn tiếp tục phát triển nhất thiết cần thay đổi nhận thức theo lối mòn cũ kỹ. Thay vào đó, phải nâng cao trình độ nhận thức nhằm đuổi kịp sự phát triển của công nghệ, tiếp cận với nền kinh tế 4.0 hiện nay.
Đối với mỗi doanh nghiệp bất động sản vào lúc này đều cần phải quay lại những bài học căn bản nhất của quản trị doanh nghiệp, phải đảm bảo tính minh bạch và chuyên nghiệp, phải ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là điều cần thiết để trở thành nhận thức và hành vi trong nền kinh tế số ở thời điểm hiện tại.
Đầu tư ứng dụng các sản phẩm công nghệ phần mềm không chỉ đảm bảo mang lại hiệu quả kinh doanh cao, mà còn đảm bảo tính bảo mật và tính an toàn dành cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, việc đổi mới trong phương thức quản lý, hoạt động cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo mạng lưới quản lý rộng hơn và nhanh hơn hẳn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, điều này càng cần thiết hơn để tổ chức lại việc quản trị doanh nghiệp, thực sự vận hành thông suốt chuyển đổi số, công khai minh bạch các giao dịch sau giai đoạn “ngủ đông” vừa qua.
“Ngoài các giải pháp ứng phó với khó khăn trước mắt như vốn hay nguồn hàng, doanh nghiệp còn phải tính tới cả câu chuyện thích nghi với sự thay đổi trên thị trường sau dịch bệnh. Hành vi và thói quen của khách hàng thay đổi làm doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng mặt khác, nó cũng buộc doanh nghiệp phải thay đổi để tạo ra được sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh hơn, giá trị hơn phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường”, ông Tuấn nói và cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có thể thuê các công ty dịch vụ để giúp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh Chính phủ điện tử, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp số hóa.